Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Nâng cao Background Knowledge & Skills cho IELTS

- copy bài viết từ bạn Bùi Hải Anh -


Kiến thức và kỹ năng nền tảng – tự bản thân cụm từ đó đã có một ý nghĩa quan trọng. Trong kỳ thi IELTS, ngoài việc làm quen với các dạng bài, áp dụng các chiến thuật hợp lý dành cho kỳ thi, xây dựng kiến thức và kỹ năng nền là một công việc cần thiết, đặc biệt nếu bạn muốn có một mức điểm “chấp nhận được”, 6.5 – 7.0 và cao hơn nữa. Những gì mình viết dưới đây là những trải nghiệm của bản thân từ khi vốn tiếng Anh chỉ là những bài học trong sách giáo khoa cấp 2 – 3, nên sẽ gần và có thể áp dụng cho các bạn trình độ từ pre-intermediate.

Đầu tiên, hãy có một vốn sống rộng. Chẳng có gì tuyệt vời bằng việc nhìn – nghe – nói – viết một đề thi IELTS  toàn về những chủ đề quen thuộc, bạn đã từng đọc, từng nghe, từng thảo luận. Do vậy, hãy trải nghiệm thật nhiều những cung bậc của cuộc sống. Đừng dừng lại ở quyển giáo trình, những quyển truyện tranh, tiểu thuyết tình cảm hay trò chơi điện tử. Hãy mạnh dạn đi làm tình nguyện, tham gia các câu lạc bộ, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, bắt tay vào gây dựng và thực hiện một event. Đọc nhiều sách (tiếng Việt) để mở mang kiến thức, và nhìn đời bằng con mắt rộng mở. Một số sách nên đọc (có thể dễ dàng tìm được ở Đinh Lễ): Viết gì cũng đúng (học cách lập luận trong essay), Cãi gì cũng thắng (học tư duy logic và tránh ngụy biện), Tư duy lởm khởm (phòng tránh các cạm bẫy tư duy), Quân vương (học về thuật lãnh đạo), bộ Harvard Business Essential (dành cho những ai quan tâm đến kinh doanh), Những kẻ xuất chúng (bàn về việc người tài thực chất bắt nguồn như thế nào và làm sao để ta có thể đạt được), Kinh tế học hài hước (một góc nhìn mới gần gũi về kinh tế)…. và còn vô vàn sách hay đang chờ bạn khám phá. Nói chung là, tạo ra một thói quen đọc và phân tích – đánh giá vấn đề thường xuyên (critical thinking & analytical thinking). Khi khả năng tiếng Anh dần được nâng cao, bạn hãy làm quen với Reading Comprehension và Critical Reasoning của GMAT thông qua 2 quyển kỹ năng Manhattan GMAT Reading Comprehension và Critical Reasoning rồi làm bài luyện trong quyển GMAT Official Guide 12th Edition.

Ngữ pháp: khi xác định thi IELTS thì lúc này bạn đã không còn mới học tiếng Anh nữa, và ngữ pháp chuẩn xác là một phần rất quan trọng trong các tiêu chí chấm điểm của kỳ thi này. Có thể lựa chọn phương pháp học từ dễ đến khó như sau:
  • Ôn dần dần bộ Grammar in Use: sách này được sắp xếp khá khoa học, lý thuyết trước, rồi bài tập sau. Nên học mỗi ngày 1 bài, cuối tuần review lại 6 bài đã học trong ngày. Kết hợp với bài reading IELTS hoặc bất kỳ văn bản tiếng Anh nào mà bạn có, đánh dấu các cấu trúc ngữ pháp đã học trong đó và luyện viết câu.
  • Bạn có thể kết hợp với 20 Great Grammar for Great Writing, sách này đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, nên học nếu bạn không có nhiều thời gian. Có khá nhiều bài tập để luyện.
  • Grammar for IELTS: khi ngữ pháp đã tương đối vững và bắt đầu trong quá trình học IELTS, bạn nên dùng quyển này. Nó có thể khá khô khan nhưng rất hữu ích trong việc tái đánh giá và củng cố kiến thức.
  • Bây giờ, bạn đã có một lượng kiến thức về ngữ pháp kha khá, hãy thách đố bản thân để đẩy lên một trình độ cao hơn bằng cách dùng quyển Manhattan GMAT Sentence Correction, đọc lý thuyết trong đó, rồi dùng quyển GMAT Official Guide 12th Edition để luyện bài tập. Bạn sẽ thực sự choáng váng với một chân trời kiến thức tuyệt vời mới!

Phát âm: để truyền đạt được ý tưởng tới người nghe, phát âm phải chuẩn. Cách chỉnh phát âm như sau:
  • Đầu tiên, học phát âm từng ký tự âm. Công việc này sẽ tương đối khó khăn nếu học một mình, vì đọc sách hay xem youtube cũng khó có thể cảm nhận chính xác vị trí vòm họng, lưỡi và độ dài – ngắn – mạnh – nhẹ của hơi thở, do đó bạn nên nhờ những người phát âm tốt chỉnh hộ, hoặc đi học một lớp ngữ âm. Nếu không có điều kiện, bạn nên dùng bộ Practise Your Proncủa British Council. Chú ý là phát âm tiếng Anh là sâu từ trong họng ra nên rất tốn hơi và tốn sức, khác với kiểu nói trên lưỡi như tiếng Việt.
  • Tiếp theo, cần học phát âm chuẩn ending sound và phát âm s – es – ed. Phương pháp khá đơn giản: tìm kiếm lý thuyết trên mạng (của s – es – ed), lấy một bài reading của IELTS hay bất kỳ một văn bản tiếng Anh nào và đọc chậm rãi, to thành tiếng, chú ý chỉnh từng từ. Dùng kèm 2 từ điển cài trên máy quan trọng là Oxford Advanced Learner’s Dictionary 8th Edition Cambridge English Pronouncing Dictionary.
  • Nâng cao kỹ năng phát âm và học lên cao hơn về intonation: Intonation là cách lên xuống giọng, nhấn nhá trong câu văn để tạo nên sắc thái ý nghĩa. Vì tiếng Anh không có dấu nên intonation ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả truyền đạt. Trong Practise Your Pron đã đề cập đến một ít, các bạn có thể tăng cường kỹ năng này bằng 2 cách: (1)sử dụng bộ Pronunciation in Use – bản Intermediate và Advanced. Cách học cũng giống Grammar for IELTS: học dần dần từng bài, sau khoảng 5 – 6 bài review lại; (2) xem phim tiếng Anh có phụ đề (tiếng Anh!). Nên xem phim vì chúng hấp dẫn, làm cho việc học trở nên bớt nhàm chán. Cứ tắm mình trong ngôn ngữ, rồi dần dần giọng của bạn sẽ được điều chỉnh theo. Có một số phim đáng xem (giọng British English): Monty Python (series hài nổi tiếng nhất của BBC và đã trở thành một biểu tượng trong văn hóa Anh), Fawlty Tower (hài cực kỳ dí dỏm và thú vị), The Black Adder (hài của Rowan Atkinson – một trong những series hiếm hoi mà ông nói nhiều), Harry Potter, The Lords of the Rings, Doghouse (kinh dị, hạn chế nữ giới)…

Phát triển từ vựng: đây là một phần khó, vì từ vựng rất rộng lớn và dễ quên. Phương pháp học từ vựng theo các list là không hiệu quả, vì nó thiếu một yếu tố quan trọng nhất là context (ngữ cảnh). Chỉ có ngữ cảnh mới giải thích được tại sao 2 synonyms lại được dùng ở những trường hợp khác nhau. Phương pháp học cũng rất nhiều, ở đây mình đưa ra một số cách tiếp cận như sau:
  • Sử dụng các tài liệu chuyên biệt: có thể học dần bộ Vocabulary in Use từ Elementary đến Advanced, Academic Vocabulary in Use, Business Vocabulary in Use, Collocations in Use (Intermediate và Advanced). Khó hơn một chút có thể dùng Check Your Vocabulary for English for the IELTS Examination. Cuối cùng nên học Verbal Advantage.
  • Sử dụng các tài liệu khác: một cách hay là bạn có thể dùng bài reading của IELTS để học từ cũng như các cấu trúc câu phức tạp. Sau khi làm xong một đề reading, bạn hãy để cách khoảng nửa ngày rồi đọc lại, tra các từ mới, lựa chọn các kết quả phù hợp ngữ cảnh, tìm hiểu các cấu trúc ngữ pháp và viết lại câu tương tự. Bộ For and Against (bản cũ) hoặc Britain cũng rất hay, nhiều từ academic nhưng không quá grandiloquent (đại ngôn:D), ý tứ lại rất tuyệt, phục vụ tốt cho IELTS writing và speaking. Ngoài ra bạn có thể tìm kiếm các đề speaking trên mạng và tra các bài báo về chủ đề này để học từ vựng và cách thể hiện.
  • Chuyển từ vào bộ nhớ chủ động: để nhớ được từ, tốt nhất là chuyển nó từ bộ nhớ thụ động (đọc, nghe) sang bộ nhớ chủ động (viết, nói). Sau khi học xong từ mới, bạn có thể ứng dụng luôn vào trong bài viết hoặc bài nói của mình, tất nhiên, chú ý kiểm tra ngữ nghĩa ứng dụng thông qua từ điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary 8th Edition và Oxford Collocations Dictionary. Khi sử dụng một từ, đặc biệt là danh – động – tính – trạng – liên từ, rất nên tìm hiểu thêm các từ gần nghĩa với nó để có thể mở rộng vốn từ sử dụng một cách linh hoạt hơn. Do vậy, từ điển Oxford Learner’s Thesaurus là phần không thể thiếu, vì từ điển này ngoài việc liệt kê các synonyms thì còn đưa ra lời khuyên về việc lựa chọn từ cho phù hợp ý tứ và ngữ cảnh.
  • Lập sổ từ (flashcard): có thể lập flashcard dễ dàng như sau: sử dụng giấy cỡ A6 (A4 gấp tư, tốt nhất là bìa cứng hoặc sổ nhỏ gáy xoắn), một mặt ghi từ mới và các từ liên quan (danh – động – tính – trạng từ), mặt sau ghi giải nghĩa, ví dụ và synonym. Khi rảnh rỗi bạn lấy ra nhìn và cố xem nhớ được đến đâu. Có thể ghép cặp với bạn bè thi xem ai nhớ được nhiều hơn (nếu thi thố có dính dáng đến vật chất sẽ hiệu quả hơn ;)

Luyện viết luận: một điều đáng buồn là học sinh sinh viên Việt Nam không được dạy về viết luận ở trường. Những gì chúng ta được dạy thường là mô tả, có khi rất tỉ mỉ, quan điểm của mình, nhưng lại không được học về cách chứng minh quan điểm của mình là đúng. Tức là thực tế, chúng ta chỉ học tập làm văn chứ không học tập làm luận. Có thể dùng các phương pháp được đề cập ở trên để sửa dần cách viết. Khi viết đến vấn đề gì cũng phải có dẫn chứng chứng minh. Viết nhiều, thường xuyên và proofread kỹ càng thì sẽ tăng dần trình độ. Nên viết 2 ngày 1 bài, ngày đầu là viết (cứ tra từ điển, google thoải mái), ngày sau đọc lại, chỉnh lại các lỗi sai mà khi viết vì cảm nhận chủ quan chưa phát hiện ra. Nếu không thể 2 ngày 1 bài, tối thiểu các bạn viết 2 bài 1 tuần, và nên có người có khả năng sửa bài cho mình.

Luyện nói một cách tự tin: với chương trình học trong trường cấp 2, cấp 3 và đại học, chúng ta hầu như không có cơ hội để nói, do đó dù ngữ pháp vững, từ vựng tốt, việc biểu đạt ra thành lời bằng tiếng Anh luôn là trở ngại không nhỏ. Thời gian đầu khi bắt đầu giao tiếp bằng tiếng Anh, mình luôn cảm thấy hồi hộp và máu nóng dồn lên mặt. Với việc chỉnh dần ngữ pháp, mở rộng dần vốn từ vựng, cần có nhiều cơ hội để nói. Nhưng trước tiên, đừng vội đến các câu lạc bộ. Hãy tự nói ở nhà, bằng cách đọc to bài reading IELTS cho mềm giọng theo cách mình đã đề cập ở trên, sau đó sử dụng máy ghi âm, hoặc máy nghe nhạc/điện thoại có chức năng ghi âm để nghe lại tiếng nói của mình. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy sự khác biệt giữa giọng nói mình nghe thấy và giọng nói mình nghĩ vẫn nghe thấy hàng ngày, cũng giống như cảm giác xúc động của tôi khi được nghe âm thanh quyến rũ phát ra từ máy ghi âm lần đầu dùng thử ;) Sau khi giọng mềm, bạn hãy lấy một chủ đề nhất định (có thể dùng của IELTS) và thử tự nói một mình, chú tâm vào việc nói chuẩn ngữ pháp, phát âm đúng, intonation ổn để tự chỉnh sửa. Đứng trước gương, điều chỉnh body language, chất giọng và thái độ biểu đạt cho phù hợp với nội dung bài nói sẽ làm cho chất lượng bài nói tốt hơn. Khi đã thấy tự nói tạm ổn, bạn hãy tìm một người bạn, cả hai nói cùng nhau để có thể bổ trợ cho nhau. Việc đến các câu lạc bộ nói tiếng Anh thì sẽ tốt cho sự tự tin của bạn (chứ không hề có tác dụng cho việc nâng cao trình độ tiếng Anh) và một điểm đến chất lượng mà không thu tiền trong bất kỳ trường hợp nào là American Center – trung tâm văn hóa của U.S. Embassy - ở đường Ngọc Khánh cạnh Vinashin, bao gồm một phòng hội thảo chuyên tổ chức các public events và thư viện có nhiều sách hay (Verbal Advantage mình cũng phát hiện ra ở đó).

Cuối cùng, bạn hãy tiếp xúc với tiếng Anh thật nhiều, nhiều nhất có thể. Một tiếng, hai tiếng một ngày đều đặn là tốt, tuy nhiên chưa đủ. Bạn có thể áp dụng nguyên tắc: “Đi nghe, ngồi nhìn”, tức là bất cứ khi nào bạn di chuyển như đi học, rửa bát, quét nhà, giặt quần áo, hãy đeo tai nghe vào, nghe các nguồn tiếng Anh mà bạn có (bài listening IELTS, Listening for Speaking của Mark Allen, các audiobook, các chương trình dạy từ mới…), ban đầu nghe để có cảm giác tiếng, dần dần nghe để hiểu. Còn khi bạn ngồi yên, hãy lấy lý thuyết ra ôn, bài tập ra làm, phim ảnh ra xem, phát biểu trước gương…. tập trung toàn tâm toàn ý vào tiếng Anh. Chốt lại: thời gian mỗi người đều chỉ có 24h/ngày, nhưng sử dụng hiệu quả, thì bạn sẽ có khoảng 10h tiếp xúc với tiếng Anh mỗi ngày, và sau 500h như vậy, bạn sẽ thấy khả năng sử dụng tiếng Anh của mình tăng lên rõ rệt. Và nếu bạn tiến bộ một phần nào đó từ những dòng này, thì đó là sự động viện rất lớn đối với mình.

Các tài liệu có thể tìm kiếm tại http://filecrop.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người theo dõi